Nam Dương

Cuộc sống của chúng ta có liên quan thế nào đến Phát thải các-bon đạt đỉnh và trung hòa các-bon

23-09-2021 08:57:14(GMT+08:00)
Chia sẻ:
Các bạn có biết trâu bò ợ hơi, đánh rắm và đại tiện đều phát thải các-bon không?
 
Khái niệm phát thải các-bon đạt đỉnh và trung hòa các-bon là gì? Ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chúng ta và mang lại cơ hội làm ăn như thế nào?
Hãy nghe Linh nói....
 
 

Cụm từ thứ nhất là “phát thải các-bon đạt đỉnh”, tiếng Trung gọi là 碳達峰, cụm từ khác gọi là “trung hòa các-bon”, 碳中和.

Hai cụm từ này rất hot tại Trung Quốc trong  1, 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân là vào tháng 9/2020, Trung Quốc tuyên bố với thế giới rằng, sẽ hướng tới mục tiêu phát thải các-bon đạt đỉnh trước năm 2030 và đạt được mức trung hòa các-bon trước năm 2060.

Nói một cách dễ hiểu, phát thải các-bon đạt đỉnh là chỉ lượng phát thải các-bon đi-ô-xít (CO2) của một khu vực hoặc ngành nghề nào đó trong năm đạt mức cao nhất lịch sử, sau đó bước vào quá trình suy giảm liên tục.

Trong khi trung hòa các-bon là chỉ việc hấp thu lại lượng phát thải các-bon đi-ô-xít (CO2) gây ra bởi hoạt động của con người trong một khoảng thời gian nhất định tại một khu vực nào để thực hiện “không phát thải ròng” các-bon đi-ô-xít. Ví dụ như bạn thải ra bao nhiêu rác thải thì bạn phải tìm cách tiêu hủy chúng.

 Chỉ khi phát thải các-bon đạt đỉnh thì mới có thể thực hiện trung hòa các-bon.

Vậy, tại sao là hướng tầm ngắm vào các-bon đi-ô-xít (CO2)? Chúng ta có thể ví các-bon đi-ô-xít (CO2) là tấm chăn bông với vai trò giữ ấm cho trái đất. Đây chính là hiệu ứng nhà kính. Lượng các-bon đi-ô-xít tăng thì hiệu ứng nhà kính ngày càng mạnh hơn, trái đất sẽ trở nên ấm hơn, dẫn đến nhiều vấn đề như: sâu bệnh tăng, nước biển dâng, sa mạc hóa, khí hậu cực đoan…Vì vậy, chúng ta cần phải giảm phát thải các-bon.

Vậy, những hoạt động sản xuất nào tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính? Theo thống kê, ngành sản xuất và chế tạo chiếm 31%, sản xuất và lưu trữ điện năng chiếm 27%, trồng trọt và nuôi trồng chiếm 19%, giao thông vận tải chiếm 16%, sưởi ấm và làm mát chiếm 7%. Bạn thấy đấy, giao thông vận tải chỉ chiếm 16%, chưa đến 1/5, vì vậy, chỉ giải quyết vấn đề giao thông xanh chưa đủ để thực hiện mục tiêu trung hòa các-bon.

Bạn có thể thắc mắc, tại sao ngành chăn nuôi và trồng trọt lại là ngành có lượng phát thải các-bon cao? Trên thực tế, động vật ợ hơi, đánh rắm và đại tiện đều phát thải khí các-bon đi-ô-xít. Thống kê cho thấy, lượng khí mê-tan mà tổng số trâu bò được nuôi trên thế giới hiện nay phát thải thông qua ợ hơi, đánh rắm và đại tiện tương đương 2 tỷ tấn các-bon đi-ô-xít. Còn phát thải các-bon của ngành trồng trọt chủ yếu đến từ phân hóa học.

Do đó, ngành nông nghiệp có thể nói là ngành khó bỏ các-bon nhất trên toàn cầu vì ngành này có đặc điểm là rất phân tán, hơn nữa còn liên quan đến thói quen ăn uống của con người. Chẳng hạn như trâu bò gây phát thải các-bon rất lớn, nên sau này thịt bò sẽ bị thu thuế các-bon cao, có thể chỉ có những người giàu mới mua nổi thịt bò.

Nói đến đây thì bạn đã biết, là nước có nền nông nghiệp lớn, Trung Quốc khó khăn như thế nào khi thực hiện mục tiêu này. Vương quốc Anh là nước đầu tiên đạt được  phát thải các-bon đạt đỉnh vào năm 1973, Mỹ đạt được vào năm 2007. Tuy nhiên, hai nước này đều đặt mục tiêu thực hiện trung hòa các-bon vào năm 2050, trong khi Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành phát thải các-bon đạt đỉnh trước năm 2030 và đến năm 2060 thực hiện mục tiêu trung hòa các-bon, thời gian chỉ có 30 năm. Hơn nữa, đặc trưng kết cấu năng lượng của Trung Quốc là thừa than, thiếu dầu mỏ, ít khí đốt, muốn chuyển đổi mô hình từ nhiên liệu hóa thạch đòi hỏi hoàn thành nhiều công việc phức tạp ngoài sức tưởng tượng, thêm nữa Trung Quốc vẫn đang trong quá trình công nghiệp hóa, có nhu cầu cao về năng lượng. Do vậy, để thực hiện hai mục tiêu phát thải các-bon đạt đỉnh và trung hòa các-bon, sau này sẽ phải đầu tư rất nhiều vào các lĩnh vực liên quan, tạo ra vô số công ty và ngành nghề hoàn toàn mới, phân phối lại nhiều của cải, thay đổi hầu hết các mặt trong cuộc sống của chúng ta như ăn ở, đi lại, trang phục ….

Vậy, chúng ta giảm phát thải khí nhà kính bằng cách nào? Căn cứ vào đặc điểm của ngành nghề khác nhau thì sẽ có các biện pháp tương ứng. Ví dụ, sản xuất điện có thể sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, ngành trồng trọt có thể sử dụng phân hóa học bảo vệ môi trường, thịt bò có thể thay thế bằng thịt nhân tạo, trong lĩnh vực giao thông vận tải có thể khuyến khích người dân tham gia giao thông xanh v.v.. Ngoài ra, chúng ta còn có thể tăng lượng hấp thu các-bon thông qua trồng cây gây rừng hoặc phát triển công nghệ thu giữ và lưu trữ các-bon trong không khí .

Biên tập viên:Nam Dương
Lựa chọn phương thức đăng nhập