• Ban tiếng Việt Nam
  • Các trang trên Facebook
  • Vài nét về CRI
  • Viết về thầy giáo chúng mình

    2017-06-13 11:09:42     CRIonline

    Chương trình hôm nay, mời các bạn nghe hai bạn lưu học sinh Việt Nam kể về thầy giáo Trung Quốc của mình qua các bài viết đăng trên tập san Cầu vồng Hữu nghị do Đài chúng tôi và Hội lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh đồng xuất bản.

    "Thầy giáo dạy tiếng Hán của tôi"

    Bạn Ngô Thị Ngọc Anh, Đại học Hàng Không Vũ Trụ Bắc Kinh

    Hẳn là đọc xong tiêu đề, đa số các bạn sẽ nghĩ rằng giáo viên dạy ngôn ngữ nói chung và giáo viên dạy tiếng Trung nói riêng đều là những người rất nghiêm khắc, rất "chằn". Nhưng không, các bạn ạ. Thầy giáo của tôi là một người rất vui tính dễ gần và cực kỳ "dễ thương".

    Thầy đến với lớp chúng tôi theo một cách khá bất ngờ. Đó là khi chúng tôi vừa kết thúc năm đầu tiên đầy áp lực và mệt mỏi của khoa tiếng Trung. Hôm đó cô chủ nhiệm thông báo với chúng tôi sắp tới sẽ có thầy giáo người Trung Quốc về trường và sẽ đảm nhiệm việc dạy môn khẩu ngữ cho chúng tôi. Khỏi phải nói, lớp tôi bắt đầu bàn tán sôi nổi, vì với lớp tôi thì đây gần như là lần đầu tiên được gặp người Trung Quốc, và được nghe thứ tiếng Trung "chính thống". Tôi cũng vậy. Nhưng lần đầu tiên gặp thầy là một câu chuyện mà có lẽ tôi không bao giờ quên được. Hôm đó tôi ngủ quên. Và khi ba chân bốn cẳng chạy vào lớp thì thầy đã ở trong lớp từ lúc nào rồi. Tôi hốt hoảng xin thầy vào lớp. Thầy cầm quyển sách mới và hỏi tôi bằng tiếng Trung "你有書了嗎?"(Em có sách chưa?). Tôi luống cuống trả lời "我有了" (em có rồi). Không ngờ thầy phá lên cười. Các bạn cũng cười ầm lên làm tôi càng cuống không hiểu mình đã nói sai điều gì. Sau đó thầy giải thích cho chúng tôi hiểu. Trong tiếng Trung, khi ai đó hỏi bạn có cái gì đó không thì bạn phải trả lời "我有" (tôi có) cộng với vật được hỏi. Ví dụ "我有書了" (tôi có sách rồi) chứ không nên nói "我有了" (tôi có rồi). Trong tiếng Trung, cụm từ "我有了" (tôi có rồi) còn có nghĩa là "tôi có thai rồi". Sau khi thầy giải thích xong cả lớp lại được trận cười, còn tôi thì khỏi phải nói, vừa xấu hổ vừa được một bài học nhớ đời.

    Sau đó thầy viết thật to lên bảng chữ "Mã Văn Vân". Và giới thiệu đó là tên thầy. Cả lớp cùng đọc. Và có bạn trêu lại thầy: "Thầy ơi thầy có phải anh em họ hàng với Mã Văn Tài không?" (Nhân vật kỳ đà cản mũi luôn xen vào tình yêu của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài). Cả lớp cười ầm lên vì tên của hai người quá giống nhau. Còn thầy thì khá bất ngờ vì chúng tôi hiểu nhiều về văn hoá lịch sử Trung Quốc như vậy. Thầy đùa lại "Ồ, thật ra tôi tự thấy mình đẹp trai như Mã Văn Tài vậy. Nhưng tôi sẽ không làm kỳ đà đâu. Vì với vẻ đẹp trai của mình, tôi sẽ có nhiều người thích hơn là cứ đi theo đuổi thứ không thuộc về mình." Và thầy hát thêm câu rất nổi tiếng trên mạng bây giờ "đẹp trai thì mới có nhiều người yêu".

    Thầy Mã thật sự là một người cực kỳ vui tính và dễ gần. Thay vì sự nghiêm khắc và yên lặng trong các giờ học khác thì khi đến giờ học khẩu ngữ của thầy, chúng tôi lại được những tràng cười sảng khoái và nhờ vậy khả năng tiếp thu của chúng tôi cũng nhanh hơn rất nhiều. Thầy giảng cho chúng tôi về văn hóa các vùng miền của Trung Quốc, về quê hương của thầy – Cáp Nhĩ Tân, vùng đất miền Đông Bắc lạnh giá của Trung Quốc, mùa đông thường lạnh dưới âm mười mấy độ. Người dân uống rượu sữa và ăn thịt nướng, có lễ hội băng đăng đầy màu sắc, con người hiền lành thân thiện.

    Còn chúng tôi kể cho thầy nghe về dải đất tươi đẹp hình chữ S, nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên. Nơi có Hà Nội 36 phố phường, nơi có các bãi biển tuyệt đẹp Nha Trang, Đà Nẵng, nơi có những mùa mưa bão cả nước hướng về miền Trung... Đólà quãng thời gian mà chúng tôi thực sự vui vẻ và học được nhiều điều bổ ích. Cũng là sự bắt đầu ươm mầm cho giấc mơ đi du học Trung Quốc của chúng tôi.

    Tiếp xúc hàng ngày với tiếng Trung và qua những bài giảng của thầy, ấn tượng của chúng tôi về đất nước Trung Hoa rộng lớn dần dần hiện ra từng chút từng chút một. Mảnh đất kỳ bí với sự đồ sộ của chiều dài lịch sử, của những di tích, đền chùa miếu mạo lăng tẩm nổi tiếng. Đất nước có bề dày văn hóa và văn học đó càng thu hút chúng tôi hơn. Hai năm sau đó thì chúng tôi không được học môn khẩu ngữ của thầy nữa và thay thế bằng các môn học khó nhằn hơn cùng với các thầy cô giáo khác. Nhưng thỉnh thoảng lớp chúng tôi và thầy vẫn đi ăn bún chả và uống trà đá vỉa hè với nhau. Thầy thích nhất là bún chả nem cua bể Hàng Mành và gánh trà đá phố cổ. Thầy nói đó là một nét văn hoá rất đặc biệt của người Việt. Vừa mộc mạc bình dị lại khiến những con người đi xa rất xao xuyến mỗi khi nghĩ về Hà Nội. Thầy còn dự định trong thời gian dạy học ở Việt Nam sẽ đi khắp 63 tỉnh thành và tìm hiểu về văn hóa ẩm thực giữa các vùng miền. Thầy thực sự là một thầy giáo đặc biệt với những kỷ niệm mà chúng tôi không bao giờ quên.

    "Có thầy đây rồi!"

    Bạn Lâm Phù Phương Doanh, Đại học Ngôn Ngữ Bắc Kinh

    Mới chớp mắt thôi mà đã trở lại Bắc Kinh được hơn hai tháng rồi. Giờ đây, ngoài khung cửa sổ, lá đã bắt đầu vàng, dâu đã vào mùa, áo ấm cũng đã chuẩn bị đâu vào đấy, chỉ còn chờ mùa đông vẫy tay chào nữa thôi.

    Đột nhiên ngồi một mình và nghĩ vẩn vơ, giờ này nếu như ở Việt Nam thì sẽ thế nào nhỉ, à phải rồi, chắc mọi người đều đang tíu tít chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng nhất trong năm của thầy và trò, ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11.

    Tôi đã ở Trung Quốc du học nhiều năm, trưởng thành dưới sự dẫn dắt và yêu thương của các thầy cô Đại học Dân Tộc Quảng Tây và Đại học Ngôn Ngữ Bắc Kinh, và người thầy để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất, là thầy hướng dẫn của tôi trong quá trình là nghiên cứu sinh Thạc sĩ tại Học viện Nhân văn Đại học Ngôn Ngữ Bắc Kinh, phó giáo sư người Trung Quốc - Tăng Quảng Khai, chuyên về nghiên cứu thơ văn thời Đường.

    Còn nhớ thời gian ấy, lúc chúng tôi chuẩn bị bảo vệ luận văn tốt nghiệp, trong khi đám học trò chúng tôi chỉ lo lắng, thì thầy tôi còn hồi hộp hơn. Tuy thầy không nói, chỉ luôn miệng động viên chúng tôi cố hết sức, nhưng ai cũng thấy, tóc thầy bạc hơn, mắt thầy yếu hơn khi đọc đi đọc lại từng dòng luận văn chỉ để sửa lại cho chúng tôi từng lỗi nhỏ nhất. Rồi hôm bảo vệ, thầy đã mời đến toàn chuyên gia đầu ngành, không chỉ cung cấp cho chúng tôi nhiều ý kiến bổ ích và chỉ ra những thiếu sót trong bài viết của mình, các thầy còn chỉ dạy cho chúng tôi cả những kiến thức chúng tôi chưa có điều kiện tiếp xúc, chúng tôi lúc đó vừa mừng vừa lo.

    Cứ theo thông lệ, bảo vệ luận văn xong, chúng tôi mời các thầy cô tham gia buổi đánh giá bảo vệ luận văn một bữa cơm thân mật gọi là cảm ơn, và có một câu chuyện mà sau này mỗi lần nghĩ đến, tôi lại thấy cảm động vô cùng.

    Thấy chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng xong, thầy hướng dẫn đột nhiên gọi chúng tôi lại và bảo:

    - "Các em giờ xong nhiệm vụ rồi, cứ vui vẻ mà ăn uống nhé, đừng lo chuyện tiền nong, có thầy đây rồi!".

    - "Không được đâu thầy ơi!" cả đám nhao nhao phản đối, chúng em phải mời các thầy cô mới đúng chứ, sao lại để thầy trả tiền được?

    - Các em còn đang đi học, thầy chỉ trả lời một cách đơn giản, sau này đi làm rồi có tiền hãy mời lại thầy.

    Tôi biết, không thể lấy tiền bạc để đo tấm lòng của thầy cô dành cho học trò mình, nhưng việc làm của thầy tôi hôm đó, để lại trong lòng tôi rất nhiều cảm xúc. Thầy hướng dẫn của tôi, người không những truyền đạt hết cho chúng tôi những kiến thức cần thiết, mà còn luôn quan tâm đến cuộc sống và hoàn cảnh của từng học sinh. Câu mà thầy nói với chúng tôi ngày hôm đó "Có thầy đây rồi", nó chân thành, mộc mạc, không hoa mỹ, nhưng đã làm cho tất cả chúng tôi cảm thấy thật yên tâm. Ở nhà có cha mẹ yêu thương che chở, đến trường lại được thầy cô cho chúng tôi một bầu trời khác, bầu trời bình yên giúp chúng tôi tích lũy kiến thức, bước vào đời, trở thành những con người có ích cho xã hội.

    N: Vâng, đúng như bạn Doanh đã nói "không thể lấy tiền bạc để đo tấm lòng của thầy cô dành cho học trò mình", các thầy cô đều cố gắng dạy dỗ chúng ta nên người, bất kể là thầy cô trong nước hay thầy cô nước ngoài. Nếu muốn đón đọc càng nhiều bài viết hay trên tập san Cầu vồng Hữu nghị, bạn có thể like trang Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, gửi nhu cầu nhận tập san cho chúng tôi. Chương trình hôm nay đến đây là hết, Nam Dương xin thân ái chào các bạn.

    Lời lưu ký
    Tin ảnh
    Tin cập nhật
    Ca nhạc theo yêu cầu thính giả
    • vu minh tuan : Bài I HAVE A DREAM của nhóm ABBA hay đấy.chúc mọi người vui vẻ,hạnh phúc.mong đc làm quen với mọi người qua sđt 01695317285
    • Giàng A Sênh : Em chào tất cả các anh chị trong ban tiếng Việt Nam. Chúc các anh chị có một sức khỏe thật bình an và luôn công tác tốt. Vậy là sắp đến tết Trung Thu rồi, em xin chúc các anh chị trong Ban tiếng Việt Nam có một tết trung thu thật vui vẻ và tràn đầy tiếng cười. Nhân dịp Trung Thu, xin quý Đài gửi hộ em bài hát CHÚC BẠN BÌNH AN tới Chị Ngọc Ánh ở Bắc hà, Em Nguyễn Thị Hà ở Bắc Giang đang học tại trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, Linh ở Đồng Xa, Mai ở Bãi Rồng, Bé Linh Sao ở Vân Đồn, Cao Mỹ và Thu ở Chiềng khoong cùng toàn thể các bạn nghe đài, chúc mọi người luôn bình an cùng một tết Trung Thu vui vẻ. Mong được làm quen với tất cả các bạn. Em xin cảm ơn quý Đài rất nhiều.
    • tran van son : chau muon gui bai hat tinh ban toi nha chau va cac ban cung hoc lop 11d bai hat tinh ban chuc cac ban hoc tot nhe
    • khien nguyen: tu lau em da biet den chuong trinh hoc tieng pho thong Trung Quoc cua quy dai. thong qua chuong trinh em cung biet them nhieu chuong trinh khac. thong qua chuong trinh toi thu 7 em muon gui bai hat "doi canh tang hinh" toi mot nguoi dac biet, anh co biet danh la "gau truc" voi loi nhan: em chuc anh gau truc hoc tot, gio la thoi diem rat quan trong vi day da sap la nam cuoi cua chung minh roi bang moi gia thi anh phai no luc phan dau de duoc bang gioi de co the tiep tuc hoc lien thong len dai hoc de thuc hien uoc mo cua chung minh. anh hay luon nho rang luc nao em cung luon o ben canh anh.
    Xem tiếp>>